Monday 15 August 2016

TÔI ĐI THANH NIÊN XUNG PHONG ( P.3 )





III



                                                Một mâm cơm được anh em lãnh từ hậu cần về bày ra trên sạp giường. Anh em trong tổ quây quần bên mâm cơm ăn một cách ngon lành. Thực đơn cũng bình thường như mọi bữa cơm gia đình của người Việt Nam với ba món : mặn, xào và canh làm chủ lực. Trước năm 1975, tôi có sinh hoạt Hướng đạo sinh Việt Nam, tôi đã có những buổi cơm tập thể đầu tiên trong những lần sinh hoạt cắm trại  và ở môi trường Thanh niên Xung phong này, thì đây chính là bữa cơm tập thể lần thứ hai trong một môi trường tập thể mới của cuộc đời tôi. Sau khi ăn uống xong, anh em chúng tôi ngả lưng ra nằm nghỉ ngơi lấy lại sức cũng như lấy lại tinh thần và tự tin để chuẩn bị đón nhận những điều mới lạ sẽ đến trong các ngày tới mà tự thâm tâm tôi nghĩ chắc chắn là sẽ có nhiều khó khăn gian khổ. Đêm đến, nằm trong mùng mà trong lòng thấy bứt rứt khi không khí yên tĩnh đến lạ, không một tiếng côn trùng kêu, không một tiếng chim rừng vỗ cánh vụt bay ngang mà chỉ vài ba tiếng " cọt kẹt... cót két " thỉnh thoảng vang lên khi anh em trở mình. Chắc cũng có những anh em mang tâm trạng như tôi nên chưa dỗ được giấc ngủ của mình. Nhắm mắt, tôi cố đi vào giấc ngủ nhưng lại cứ lo ra, suy nghĩ lung tung để rồi tự than thở và tự hỏi trong lòng đâu rồi tiếng xe gắn máy nổ giòn, đâu rồi tiếng radio hay ti - vi vang vang vào mỗi đêm, đâu rồi tiếng huyên náo hay tiếng rao của những người buôn bán, đâu rồi ... và đâu rồi những âm thanh quen thuộc của thành phố... Rồi thì giấc ngủ không biết đến tự lúc nào rất nhẹ nhàng êm ái, không mộng không mơ gì hết và cho đến khi tiếng kẻng báo thức vang lên thì tôi mới giật mình thức giấc. Chà, mới 5h sáng mà đã dậy tập thể dục rồi, gay go đây. Đúng là gay go vì ở thành phố có khi nào mà phải dậy giờ này đâu, mong rằng mình cũng sẽ thích nghi với giờ giấc sinh hoạt này và với quyết tâm thì phải được thôi. Ngày mới bắt đầu rồi và ngày hôm nay, tất cả anh chị em chúng tôi đều được nghỉ dưỡng sức cũng như tập làm quen dần với nếp sống tập thể mà mình sẽ phải sống lâu dài. Nhân dịp nghỉ ngơi này, tôi cũng quen và biết được vài người bạn cùng địa phương mà khi ở dưới thì không ai biết ai cả. Khi biết cùng ở địa phương thì ai cũng thốt lên ngạc nhiên vì sao chung địa phương mà không biết nhau. Quả thật là không có duyên để quen biết khi ở gần nhau để cho đến lúc ở một nơi có thể nói " khỉ ho, cò gáy " này thì mới biết nhau, chả hiểu sao nữa nhưng cũng là điều hay đó chứ, đúng như câu " Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng ". Khoảng thời gian này, tôi cũng tìm hiểu được nơi mình đang sống là " vùng oanh tạc tự do " sát bên khu vực căn cứ quân sự Đồng Dù thời trước năm 1975. Mọi việc theo thời gian dần dần lộ rõ, giúp tôi hiểu được những gì mình đang làm là phục vụ cho ai, với mục đích gì và việc mình làm là đúng hay sai.



                               Sáng sớm hôm sau, khi tất cả anh chị em hoàn thành " thủ tục " tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng thì đến giờ phút mà mọi người biết mình sẽ làm gì trong hôm nay cũng như trong tương lai. Từng tiểu đội tập trung theo hàng lối ngay ngắn trước sân Ban chỉ huy đại đội ( BCHĐĐ) lắng nghe từng lời nói của đồng chí đại đội trưởng ( lúc này mọi người được gọi bằng đồng chí rồi đấy, là lạ tai lắm nhưng riết rồi cũng quen ) về mục đích cuộc sống với việc làm tại nơi này mà có thể nói gọn là khai hoang tạo mảng xanh cho thành phố. Vì là " vùng oanh tạc tự do " nên bị bỏ hoang, không ai thời đó dám khai khẩn làm nương rẩy, trồng trọt, ...., giờ đây không còn chiến tranh nữa, cần sức người khai phá để tạo màu xanh cho vùng ven thành phố cũng như xây dựng Nông trường. Sau màn trao đổi về công việc sắp làm, kèm theo lời động viên thi đua lập thành tích cao với các đại đội bạn ( có thể gọi là đàn anh, đàn chị vì họ đã lên nơi này trước ), mỗi người được giao quản lý một cây cuốc để làm công tác khai phá, có thể gọi vui lúc đó là " vũ khí chiến trường ". Đến giờ xuất phát, cả đại đội thứ tự hàng một tiến bước theo sự hướng dẫn của BCHĐĐ, đi ra phía sau doanh trại của đại đội và chỉ mất khoảng 15 phút là đến nơi gọi là " chiến trường ". Từ xa nhìn thấp lè tè, không nhận diện là gì và chỉ khi đến gần thì một rừng cỏ Mỹ cao hơn đầu người trải dài dưới ánh nắng chói chang đang lên cao mà thấy phát ngợp. Cả đại đội, một hàng một, rải dài theo rìa rừng cỏ Mỹ để " tấn công " vào, tiêu diệt lũ cỏ Mỹ. Ngày đầu đi lao động, anh chị em được mặc tự do, ai muốn mặc sao cũng được, miễn sao bảo vệ thân thể của mình tốt trong lúc lao động mà thôi. Khi đó, tôi mặc quần tây đen,lưng trần,  áo ka-ki vàng quấn quanh bụng, đầu đội nón " tai bèo " bất chấp mặt trời đang lên cao với ánh nắng gay gắt. Tiếng tu - huýt vang lên một tràng dài báo hiệu giờ " hành động " bắt đầu. Tất cả anh chị em trong đại đội, hào hứng giơ cao cuốc lên rồi " phập " xuống, bật gốc cỏ Mỹ lên một cách gọn gàng với niềm  " kiêu hảnh " của tuổi trẻ. Từng cây, từng gốc cỏ Mỹ được bứng lên, chấm dứt những mầm sống vô ích để dành đất cho những mầm sống khác có ích hơn cho con người. Tôi cũng như mọi người, hăng hái cuốc " lia lịa " như một cái máy nhưng rồi sức người mà, cũng phải có đôi lúc ngừng tay đứng nghỉ lấy sức. Tay chống cuốc, tay kéo vạt áo quấn ngang bụng lên mặt lau mồ hôi tuôn ra thành dòng như suối. Những dòng mồ hôi tuôn ra không kịp lau đã nhanh chóng thành giọt rơi xuống thấm vào đất như muốn nói rằng trên vùng đất khô cằn này đã có thêm " dấu ấn " lao động của người con thành phố. Một điều rõ ràng không thể bàn cãi là sẽ có nhiều, rất nhiều " dấu ấn " như vậy đã để lại và không biết đó có phải là những " dấu ấn " đẹp của tuổi trẻ hay không, điều đó chỉ có tương lai trả lời mà thôi. Sau này, tôi nghe có những chị em khi lao động đã không cầm được nước mắt, bật khóc nức nở ngon lành. Nghe những điều đó, tôi rất hiểu những nỗi niềm của các bạn nữ khi giả từ nơi thân yêu để đến một nơi xa lạ và rất gian khổ. Vậy là trên vùng đất khô cằn này đã thấm đẫm mồ hôi với nước mắt hòa chung và không biết nó còn thấm những gì nữa đây? Nhìn quanh, tôi bắt gặp những ánh mắt đáp lại chia sẻ, an ủi, thông cảm, như thầm chấp nhận những gì đã và đang xảy ra.      


     
                             Khi đến giờ được nghỉ ngơi, giữa đồng trống không một bóng cây, anh chị em chúng tôi từng nhóm, từng nhóm lúp xúp núp dưới những bóng cây cỏ Mỹ để tránh cái nắng gay gắt, cái nắng như muốn thử thách xem sự chịu đựng của tuổi trẻ như thế nào. Tôi nghĩ, nếu như không có những cây cỏ Mỹ còn lại chưa bị " tiêu diệt " thì anh chị em chúng tôi sẽ ra sao nhỉ? Đúng là " ăn cháo đá bát ", mới nhờ vả thì lát nữa chính tay mình sẽ triệt hạ nó không thương tiếc, chuyện đời có những việc éo le, thiệt tình không biết phải nói sao? Đội của chúng tôi từng bước một tiến lên với từng nhát cuốc một bật gốc cỏ Mỹ một cách nhanh chóng. Âm thanh lưỡi cuốc phập vào gốc cỏ và tiếng cỏ Mỹ ngã rạp vào nhau nằm dài trên mặt đất vang lên đều đều trong một khoảng không vắng lặng, tạo thành một giai điệu nghe riết cũng quen tai.   Đôi lúc, quay lại nhìn, ngạc nhiên vì từ điểm khởi đầu cho đến chỗ mình đang đứng có một khoảng cách xa với thân xác cỏ Mỹ nằm rạp đầy trên mặt đất. Trong lòng tôi cũng thích thú khi biết được thành quả của mình nói riêng cũng như của Đại đội nói chung  quá " dữ dội ", đúng là sức trẻ mà. Nước chứa trong can nhựa được người trong hậu cần luân chuyển đến từng tiểu đội, giúp chúng tôi hạ nhiệt được cơn khát khô cổ. Nuốt vào những ngụm nước mà tôi có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của nước, cổ của tôi bỗng trở nên mát lạnh, mềm mại khi nước chảy qua và toàn thân tôi cũng không chịu nằm ngoài sự ảnh hưởng tương tự như vậy của dòng nước.  Nhiều anh em, sau khi uống nước xong còn cố gắng nhín lại một chút nước để vung tay khoát đều lên khắp người cho mát như muốn trong đã mát thì ngoài cho mát luôn.   Đúng 11 giờ, còi hiệu lệnh vang lên thông báo chấm dứt buổi lao động sáng nay. Toàn đội, hàng một theo từng tiểu đội, rảo bước về doanh trại của đội. Về tới " sam ", vũ khí chiến trường của người nào thì cho vào dưới gầm " giường " tương ứng với chỗ nằm của người đó để khỏi thất lạc. Giếng nước trở nên nhộn nhịp huyên náo cả lên với tiếng cười nói của anh em về buổi lao động đầu tiên của mình. Nào là " hồi đó giờ có cầm cuốc đâu ", " bàn tay sưng rộp rồi nè ", " nắng chi mà nắng dữ vậy ", "giờ muốn đuối  luôn rồi  "...v...v... Ôi thôi thì đủ chuyện. Kẻng báo lên lãnh cơm vang lên, mỗi tiểu đội cắt cử hai người lên lãnh và ngày ngày mai sẽ thay phiên đến hai người khác, cứ vậy giáp vòng. Buổi cơm trưa được tranh thủ " đánh nhanh rút gọn " để dành thời gian nghỉ ngơi nạp lại " năng lượng "  cho buổi lao động chiều. Cả thân người tôi nóng ran, đỏ hồng vì da trắng cũng như không ăn nắng nên như vậy. Có những anh em cũng gọi vui tôi là dân " da đỏ "  mà đa số anh em ở đây đều biết trong những phim truyền hình Cowboy của Mỹ trước ngày giải phóng. Tôi cũng không lạ lắm về làn da của mình vì những ngày tháng sống làm vườn, làm ruộng ở Tây Ninh, Trãng Bàng đã cho thấy điều đó. Không khí nghỉ trưa trong " sam " thật yên ắng đến lạ, không ai nói năng gì nhiều cả, tôi cùng mọi người dần dần chìm vào giấc ngủ trưa một cách nhanh chóng.
                                Đúng 13h, tiếng kẻng vang lên, thúc giục mọi người thức dậy chuẩn bị cho buổi lao động chiều. Khi nghe tiếng kẻng, anh em chúng tôi bức xúc vì sao đi làm sớm thế? Ai cũng uể oải ngồi dậy khi nghe tiếng BCHĐĐ đi xuống từng " sam " đốc thúc. Đúng là do mệt, nằm ngủ một hơi chưa đã giấc nên cứ nghĩ  là thời gian trôi qua nhanh, không kịp nghỉ ngơi. Rồi thì tất cả anh chị em cũng nghiêm chỉnh tập họp hàng quân theo lệnh của Ban chỉ huy đội. Gương mặt của ai lúc đó cũng hiện vẻ bơ phờ, mệt mõi do " dư âm " của buổi lao động sáng nay còn đọng lại. Sau khi điểm danh xong, tất cả anh chị em lại lần lượt nối bước nhau thành hàng một tiến ra " chiến trường "  để tiếp tục nhiệm vụ còn dang dở. Dưới cái nắng trưa gay gắt, anh chị em chúng tôi cũng phải đổ mồ hôi vì lòng tự trọng của người trẻ tuổi, lòng tự trong mà bất cứ ai cũng phải có.  Khi mặt trời dần dần ngã về hướng tây cũng là lúc mà tất cả anh chị em chúng tôi đều mong chờ tiếng còi báo hiệu kết thúc một ngày lao động vang lên, điều đó chắc chắn như thế rồi vì mệt mõi quá mà... Tiếng còi rồi cũng vang lên, cứ ngỡ ai cũng mệt mõi bơ phờ trở về trại nhưng ngược lại trên đường về vẻ mặt ai cũng tươi tỉnh hơn, cười giỡn cùng nhau nhiều hơn....... lạ nhỉ ? Nghĩ đi nghĩ lại cũng đúng thôi, hoàn thành nhiệm vụ sau mấy tiếng đồng hồ lao động thì ai mà không vui? Giờ là nghỉ ngơi thì hãy vui lên để quên đi những mệt nhọc trong thời gian còn lại của một ngày thì cớ sao lại phải ủ rủ và mệt mõi chứ?  Khi về tới trại, trong thời gian chờ buổi cơm chiều, Ban chỉ huy đại đội mang một trái banh bóng chuyền ra và đã tạo ra một hiệu ứng tích cực khi anh em tham gia rất nhiệt tình, tạo ra những trận đấu sôi nổi trên sân bóng ngay trước " sam " của BCHĐĐ. Sức hút từ sân bóng chuyền rất ư là dữ dội khi mỗi lúc càng đông anh chị em tập trung lại cổ vũ. Những cổ động viên này là những anh chị em khi về tới " sam " đã tranh thủ tắm táp rồi nhanh chân ra xem sau khi chau chuốt điều chỉnh lại dáng vẻ ngoại hình của mình một cách đẹp nhất. Có lẽ do ngứa ngáy tay chân khi đứng xem nên có anh em vào BCHĐĐ hỏi xem còn trái banh nào không và để không phụ lòng sôi nổi của anh em, một trái banh bóng  đá được lôi ra tạo thêm  một sân chơi hấp dẫn nữa cho anh em. Khi đó vì không biết chơi bóng chuyền nên tôi đã tham gia đá banh cùng anh em và những khi chạy đi lượm banh do tài nghệ " điêu luyện " cực kỳ của vài anh em mà banh cứ hay bay về hướng các " sam ", nói chung là đủ hướng, tôi đã thấy hình ảnh đồng đội nữ ngồi may vá, đơm nút cũng như đồng đội nam tay cầm đàn thả hồn hát nghêu ngao. Trong lòng tôi cảm thấy tự tin hơn khi thấy những hình ảnh lạc quan đó và cũng có thể chắc chắn rằng, những hình ảnh của trận bóng chuyền, bóng đá hay tiếng đàn, tiếng hát ... vang lên vào những buổi chiều tại đội chúng tôi trên vùng đất thép này mải sẽ tồn tại khi chúng tôi còn tồn tại.







0 nhận xét:

Translate