I
Vào những ngày
đầu giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30 / 04 /1975, tôi và gia đình cũng như những gia đình có liên hệ ít nhiều đến chế độ Cộng hòa đều sống trong
nỗi lo sợ phập phồng, không biết sẽ được đối xử ra sao? Gia đình tôi gồm sáu
người gồm ba, mẹ và bốn anh em trai đang tuổi lớn, em út chỉ mới mười ba tuổi.
Ba tôi là sĩ quan cấp tá thuộc binh chủng Không quân đóng tại căn cứ Sư đoàn 3
Không quân Biên Hòa. Ông là một sĩ quan liêm khiết chính trực nên khi rời bỏ
Biên Hòa về Sài Gòn chỉ với hai bàn tay trắng, phải ăn nhờ ở đậu nhà của những
người cấp dưới cũng như bạn bè. Sau khi ba tôi tập trung đi học tập, gia
đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn về nhà ở và tài chính kinh tế. Đang lúc bối rối thì đúng là ông trời có mắt,
một chú là bạn của ba mẹ tôi, cũng thuộc diện sĩ quan cấp tá binh chủng Không
quân còn kẹt lại Việt nam khi gia đình đã di tản ra nước ngoài, mời gia đình
tôi về ở để trông nom chăm sóc nhà cửa trong thời gian chú đi tập trung học tập
cũng như giúp gia đình tôi ổn định chỗ ở. Khi chỗ ở đã ổn định, mẹ tôi bắt đầu lo về
cái ăn cái mặc cho bốn thằng con trai ăn ở không chẳng biết làm gì cũng như lo
sợ chính quyền lâm thời để ý nên đã đưa tôi và anh ba về Tây Ninh ở cùng gia
đình ông ngoại.
Trong thời gian sống cùng gia đình ngoại, tôi
với anh ba bắt đầu làm quen với nghề làm vườn như : giẫy cỏ, lên líp trồng rau,
đào hố trồng chuối, trồng rau, tưới rau … Đúng là những điều mới mẻ so với cuộc
sống trước đó mà hai anh em học được cũng như giúp tôi biết nhận diện được một số loại cây ăn
trái. Nói chung, một cuộc sống lạ lẫm, vất vả, đầy mồ hôi nhưng bù lại tinh
thần hai anh em chúng tôi lúc đó không lo nghĩ nhiều vế cái ăn cái mặc. Ở với
ngoại đến gần cuối năm 75, tôi có qua thăm nội ( cũng ở Tây Ninh ) thì bà nội nói hãy về Trãng Bàng cùng chú để trông nom ruộng lúa dưới đó vì nội mới lấy
lại một ít đất để trồng lúa. Hình như trong tôi có “ máu ” khoái đi đây đi đó nên khi nghe nội
nói là tôi đồng ý liền và thế là nội qua xin phép ngoại cho tôi về phụ giúp.
Thời gian
về sống ở Trãng Bàng cùng chú, tôi lại biết thêm về công việc nhà nông chân
chính và hiểu nỗi vất vả từ lúc cấy lúa cho đến khi thu hoạch được hạt lúa. Tôi
biết làm được nhiều việc như từ lúc gieo mạ, cấy lúa, bón phân, phun thuốc trừ
sâu, nhổ cỏ lúa, mở rãnh thoát nước chống úng cho đến khi tay trái tóm lấy những
cây lúa nặng trĩu hạt vàng ươm còn tay phải cầm liềm cắt ngang gần gốc để thu hoạch và từ đó tôi mới thấm thía hiểu được câu " một nắng hai sương " là như
thế nào. Tôi còn biết thêm cách lợp nhà tranh, nhồi đất với rơm đắp lên khung sườn làm bằng tre được đan qua đan lại tạo thành những ô vuông đều đặn để hình
thành vách nhà bằng đất vững chắc. " Nhà tranh vách đất " là đây, giờ đã xóa
trong trí tưởng tượng còn non nớt của tôi một vách đất dễ sập, dễ vỡ cũng như dễ
tan trong những cơn mưa. Nhiều điều, còn nhiều điều đã dạy và giúp ích cho cuộc
sống sau này của tôi khi gia nhập Lực lượng Thanh Niên Xung Phong TP. HCM. Sau
hơn nửa năm, sống cùng chú cũng như gầy dựng cơ ngơi cho nội, tôi cũng đã trở về
sống cùng mẹ với anh em tại cư xá Thanh Đa để rồi bước vào một môi trường sống mới mà nó ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hiện nay của tôi.
Khoảng đầu
tháng 9 / 1976, địa phương có phát động phong trào kêu gọi thanh niên tham gia
Lực lượng Thanh Niên Xung Phong, một phong trào khi đó tôi nghĩ là một tổ chức giống như Hướng
Đạo Việt Nam mà tôi đã từng tham gia trước ngày ngày 30 / 04 / 1975 . Dù không biết
rõ mục đích của Lực lượng này là làm gì, nhưng cứ nghĩ khi mình tham gia, sẽ
có những cái lợi trước mắt như không sợ địa phương để ý " dòm ngó " tới một gia
đình chế độ cũ, có bốn thằng con trai trong tuổi lớn đang ăn ở không, ba tôi ít
nhiều gì cũng không bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong quá trình học tập vì có con
tham gia tổ chức của nhà nước và nhất là gia đình đỡ phải lo cái ăn cái mặc… Từ
những suy nghĩ này, cùng sự đồng ý của mẹ, tôi và anh ba sẽ đăng ký tham gia
vào Lực lượng này. Để thăm dò phản ứng của chính quyền địa phương như thế nào về
một người con của gia đình sĩ quan chế độ cũ đăng ký tham gia, anh ba tôi đi
dăng ký trước và khoảng 1 tuần sau là đến lượt tôi khi thấy tình hình " êm ả, suôn sẻ ". Trong khoảng thời gian chờ
đến ngày tham gia chính thức, hầu như ngày nào gia đình tôi cũng mổ xẻ, tìm hiểu
xem anh em tôi sẽ làm những gì trong tổ chức này và tóm lại là ai cũng mong đó
là một tổ chức dạng như Hướng Đạo Việt Nam.
Rồi thì, điều gì đến rồi cũng sẽ đến, anh ba tôi " khăn gói " lên đường
trước tôi khoảng hơn một tuần vì khi tôi đăng ký đã qua đợt tuyển mới nên
hai anh em không đi chung đợt. Nếu như không nhớ nhầm, ngày thứ ba 28 / 09 /
1976 là ngày tôi " cuốn gói ", từ giã gia đình đến tập trung tại một nơi mà hiện
nay là Trung tâm Thể dục Thể tthao Quận Bình Thạnh. Tại đây, tôi đã gặp những
anh chị em từ các phường trong Quận cũng cùng tham gia chung đội và mọi bỡ ngỡ
như một đứa trẻ lần đầu cắp sách đến trường đã biến mất, bù vào đó là nụ cười và ánh mắt đầy thân thiện như ngầm chia sẻ là giờ đây chúng ta sẽ “ chung
một thuyền “, mọi việc phải tương trợ
giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi được chia thành từng tiểu đội đâu đó rồi thì anh chị em
cũng được phổ biến chung về công việc mình sẽ khai hoang phục hóa những vùng đất
mà tương lai sẽ là mảng xanh của Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, tất cả anh
chị em chúng tôi lần lượt hàng thẳng hàng, tiến bước về Câu lạc bộ Lướt Gió trên
đường Phan Thanh Giản ( nay là Điện Biên Phủ ) để tập trung nghỉ ngơi và nhận
những vật dụng có thể gọi là “ quân trang ” như : đồng phục, mùng, mền, chiếu,
nón … cùng một cái túi vải to mà khi đó anh chị em hay gọi là cái “ bồng ” để chứa tất cả vật dụng trên.
Tôi còn nhớ nhất lúc anh em nam mặc thử đồng phục, người này nhìn người kia rồi
người kia nhìn người nọ mà bật lên tiếng cười khúc khích, bởi ai nấy trông cũng " mập mạp ", " luộm thuộm " trong bộ đồng phục rộng thùng thình. Tiếng cười cùng những lời bình luận dí dỏm
đã làm cho chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn, ấm áp hơn, thân thiện hơn, gắn bó hơn và không còn những e ngại
ban đầu nữa. Đêm đến, tôi gối đầu lên cái “ bồng ”, tiếng đàn ai đó gảy nhè nhẹ vang lên khắp căn phòng như muốn ru ngủ hay như muốn làm giảm đi những lo âu căng thẳng mà tôi nghĩ ít nhiều gì ai cũng mang canh cánh trong lòng. Đưa mắt nhìn xung quanh, thấy ai nấy
cũng ngả lưng, chỉ vài ba người chắc cùng phường, vì trông họ thân mật lắm là còn
rù rì, rù rì ... và rồi từ từ cũng im bặt. Tiếng đàn cũng im bặt theo, bầu không khí trong gian phòng rộng, bỗng chốc
yên tĩnh lạ, hình như nó không muốn phá những dòng suy nghĩ của những người xa
nhà, đang mơ màng về mái nhà thân yêu, về người thân… Tôi cũng nhắm mắt lại để cho hình ảnh của mẹ, anh em tôi hiện lên từng người một, rõ nét như đang lật xem từng
trang album và rồi tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ mà tôi mong sao này nó cũng sẽ
đến với tôi một cách dễ dàng trong những ngày sắp tới…
( còn tiếp )
TNK
2 nhận xét:
EM NHỚ HÌNH NHƯ BÀI NÀY CÓ TỚI 8 TẬP TRÊN TRANG CŨ MÀ SAO Ở ĐÂY CHỈ MỚI 1 TẬP? ĐÂU HẾT RỒI?
EM NÓI ĐÚNG RỒI ĐÓ. DO TÁC GIẢ KHÔNG LƯU BẢN NHÁP NÊN KHI CY WORLD SẬP THÌ MẤT HẾT. HIỆN TÁC GIẢ ĐANG CỐ GẮNG TRANH THỦ NHỚ VÀ VIẾT LẠI. CÔNG NHẬN TUYẾT SƯƠNG CÓ TRÍ NHỚ TỐT QUÁ.
Post a Comment