Monday 6 July 2015

TÔI ĐI THANH NIÊN XUNG PHONG ( P. 2 )






II



                               Sáng sớm thứ bảy,  ngày 28/09/19976, khi mặt trời còn chưa thức giấc, trong gian phòng rộng chứa hơn cả trăm con người đã rục rịch tỉnh giấc cùng vài ba tiếng lào xào, lạc xạc lẻ tẻ của ban đầu thì chỉ trong chốc lát tiếng nói chuyện, tiếng dọn dẹp vật dụng cá nhân, …v ... v... rộn rã hơn, hòa lẫn vào nhau một cách vội vã. Sau khi vệ sinh cá nhân với mức tối thiểu, anh chị em chúng tôi được cấp phát mỗi người một ổ bánh mì thịt, tranh thủ lót dạ khi trời vừa chớm hồng.






                            Khi bầu trời vừa ửng sáng cùng với việc đã giải quyết bao tử một cách ổn thỏa cũng là lúc cả Đại đội tập trung lại, điểm danh để chuẩn bị bước lên những chiếc xe đò sẽ đưa đến nơi mà chúng tôi cần phải đến. Tôi cùng tiểu đội được bố trí lên chuyến xe thứ nhất và cả đội xe gồm ba chiếc cũng đã khởi hành khi mặt trời đã ló dạng hơn cả gang tay ở đằng đông. Cả đội xe di chuyển theo đường Phan Thanh Giản ( nay là Điện Biên Phủ ), hướng về đường Lê Văn Duyệt ( nay là CMT 8 ) rồi rẽ phải về ngả tư Bảy Hiền. Đến ngả tư Bảy Hiền, cả đội xe tiếp tục đi thẳng về hướng Hốc Môn và khi qua Hốc Môn thì đi tiếp Củ Chi. Khi xe đi về hướng Củ Chi, trong lòng tôi mừng thầm, nghĩ chắc là về Tây Ninh mà nếu đúng như thế thì tôi lại có dịp thăm Nội Ngoại hai bên rồi. Tiếng đàn lời ca khi đó đã vang lên đúng lúc như muốn nói là tôi đã nghĩ đúng cũng như cổ vũ tinh thần của anh chị em nói chung và của tôi nói riêng. Nhưng, khi đến ngả tư trung tâm của Củ Chi thì xe đột nhiên giảm tốc và từ từ rẽ phải làm tôi chưng hửng thất vọng và lo lắng. Thất vọng vì nơi đến không như tôi nghĩ và lo lắng là không biết tôi sẽ tới vùng đất xa lạ nào đây? Đoàn xe tiếp tục lao nhanh về phía trước,  khi đi ngang một căn cứ quân đội của chế độ VNCH thì tôi nghe thấp thoáng mấy tiếng “ Đồng Dù ”, thì ra đây là căn cứ  nổi tiếng mà tôi đã được nghe danh từ thời trước nhưng chưa bao giờ đặt chân  tới, sao mà nghe mùi chiến tranh quá. Khung cảnh hai bên đường, cứ lùi dần lại phía sau theo từng giây từng phút như muốn rời bỏ hay né tránh khi trông thấy đoàn xe của chúng tôi. Xe càng chạy thì nhà cửa, cây cối xanh tươi hai bên đường cũng dần dần thưa thớt và thay vào đó là cây cối khô cằn cũng như lèo tèo vài căn nhà tranh trông thấy mà nản lòng. Nhìn những người đồng đội của tôi cùng với nét mặt xa lạ, ngỡ ngàng là cũng biết trong lòng họ cũng lo lắng như tôi nhưng không nói ra mà thôi. Đến ngả tư ( ngả tư Tân Quy), đoàn xe rẽ trái, được một đoạn thì trèo lên một cây cầu ( cầu Bến Nẩy, cũng có người gọi cầu Phú Hòa Đông ), khung làm bằng sắt đã gỉ sét lốm đốm, nền cầu được lót bằng những thanh gỗ mà giờ đã nham nhở, xám xịt, sứt mẻ, nứt nẻ, bong tróc, không còn cố định chặt vào khung cầu nữa nên đã tạo ra những âm thanh lọc cọc, lạch cạch, lách cách…hòa cùng độ rung của cầu khi đoàn xe đi qua, như muốn ám vào các giác quan của chúng tôi để thử thách lòng gan dạ. Lúc này tiếng đàn lời ca cũng im bặt như để cùng chia sẻ những nỗi lo âu với tất cả mọi người trên xe. Khi đoàn xe đã qua cầu, sự căng thẳng trong tôi cũng đã giảm nhanh cũng như tim đã thôi bớt đập " thình thịch " và nhường vào đó là sự tò mò của ban đầu về những khung cảnh đang hiện ra trước mắt tôi. Nhà cửa hai bên đường giờ đã bớt thưa thớt, cây cối cũng đã xanh mát hơn, khiến tôi thắc mắc và sự thắc mắc đó của tôi không tồn tại lâu khi đoàn xe đi ngang chợ của xã Phú Hòa Đông. A, thì ra là như vậy, khu vực trung tâm của một địa phương lúc nào cũng sung túc, sầm uất hơn hẳn. Tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên, dù sao đi nữa nơi này cũng có người dân sinh sống chứ không phải là nơi “ khỉ ho cò gáy ” nào đó như tôi lo sợ ban đầu. Nhưng rồi sự lo lắng căng thẳng trong tôi lại bắt đầu gia tăng trở lại khi đoàn xe đã rời xa chợ và nhà cửa lại bắt đầu thưa thớt dần. Đang ngon trớn thì đoàn xe giảm tốc dần dần, gây sự chú ý của anh em trên xe vì tưởng rằng đã đến nơi và sự ồn ào trong xe bắt đầu nổi lên khi mỗi người một câu thắc mắc không biết nơi đây là nơi đâu? Đột nhiên, tất cả mọi người nín bặt, ngó dáo dác khi đoàn xe bắt đầu rẽ trái, đi vào một con đường đất mà ở trên xe có phóng tầm mắt ra xa về phía hai bên đường chỉ thấy toàn cỏ Mỹ với những thân cây được đốn ngang gần tới gốc giờ đang nảy những mầm chồi non. Nhìn về phía trước xe, bề mặt đường đất trông mà tệ, đầy ổ trâu cùng ổ voi chứa ngập nước – có lẽ do cơn mưa từ đêm trước -  hoặc sình lầy nhão nhoẹt, chạy dài sâu vào trong rừng chồi với cỏ Mỹ mà không thấy điểm dừng. Xe bò từ từ, lúc nghiêng phải, lúc nghiêng trái khi đi vào ổ voi, ổ trâu, làm cho mấy chục con người trên xe cũng nghiêng ngả, ngả nghiêng theo và dòng tư tưởng ra đi khai hoang, xây dựng mảng xanh cho thành phố trong mỗi anh em chúng tôi chắc chắn ít nhiều gì cũng đã phải chao qua đảo lại giống như tôi. Mặc cho những tư tưởng và những suy nghĩ trong chúng tôi như thế nào, đoàn xe vẫn chầm chậm, cố gắng tiến lên để đưa chúng tôi đến nơi đến chốn.



                                

                         Và rồi, chuyện gì đến thì nó cũng đã đến, đoàn xe lần lượt từng chiếc một bị mắc cạn khi không vượt qua được đoạn đường đầy ổ voi chứa đầy bùn lầy nhão nhoẹt.  Do xe không đi được nữa nên anh em chúng tôi buộc phải xuống xe, tiếp tục đi bộ để đến nơi cần phải đến và đây cũng chính là giây phút đầu tiên, chúng tôi đặt chân lên vùng đất lạ chưa biết tên. Từng người một, từ trên xe phóng một bước, nhảy sát vào phía trong lề phải, nơi khô ráo có thể để chúng tôi tiếp tục đi. Xếp thành hàng một, kẻ trước người sau, người vừa đeo ba lô ( tự trang bị khi tập trung ) vừa ôm bồng, người vừa xách hoặc vác bồng trên vai, nối bước nhau tiến tới trong bầu không khí ngột ngạt, đầy lo lắng, hoang mang, chỉ nghe tiếng bước chân sột soạt. Bỗng nhiên, có tiếng nhí nhố phía trước lan truyền tới tận phía sau, làm tôi giật mình, chú tâm xem chuyện gì đã xảy ra? A, thì ra, chúng tôi đang đi ngang những dãy nhà tranh vách lá cùng với những con người, có lẽ là chủ nhân mà sau này chúng tôi biết đó là những đồng đội đã đặt chân lên vùng đất này trước chúng tôi. Giờ này, chắc vào giờ nghỉ trưa nên các anh, người không áo, quần sà-lỏn, người vừa áo TNXP vừa sà- lỏn, người mặc nguyên bộ TNXP nhưng ống thấp ống cao, … đủ kiểu, cùng với các chị vẫy tay chào chúng tôi, làm cho tôi yên tâm phần nào vì nơi đây đã có những con người sinh sống thì không có gì phải lo sợ cả. 
                                Cuối cùng, chúng tôi cũng đến nơi cần phải đến. Từ ngoài đường, anh em chúng tôi rẽ phải, tập trung tại khoảng sân trước mặt căn nhà mà lát nữa tôi mới biết là của Ban chỉ huy Đại đội. . Khi từng Tiểu đội đã ổn định vị trí theo hàng có trật tự, lúc này ban chỉ Huy Đội bắt đầu ra mắt, giới thiệu thành phần cơ cấu của Ban Chỉ Huy Đại đội cũng như nói rõ anh em chúng tôi thuộc biên chế của Đại đội 3, Liên đội 8 Thanh Niên Xung Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.  Ban chỉ huy Đội cũng  cho biết, đây là vùng đất thép thành đồng Củ Chi, vùng đất oanh tạc tự do từ thời chiến tranh mà chúng tôi sẽ có nhiệm vụ cải tạo khai hoang thành mảng xanh cho Thành phố. Lúc này, tôi thực sự mới ghi nhớ trong đầu, đơn vị của tôi là Tiểu đội 3, chứ khi còn ở Thành phố , tôi thực tình không để ý. Tôi cũng rất bất ngờ, khi thấy  những đồng đội nữ được lập thành một Tiểu đội. Thật tình, tôi thắc mắc, các đồng đội nữ này cũng như những đồng đội nữ mà khi nãy đã gặp, không hiểu là động cơ đưa các bạn ấy tham gia Thanh Niên Xung Phong có giống như tôi không? Các bạn là nữ mà dám rời bỏ  Thành phố lên vùng đất xa lạ này với những gian nan sắp tới thì tôi thật tình bái phục. Thôi, chuyện đó thế nào rồi từ từ cũng sẽ biết mà thôi. 



                                    Sau màn dạo đầu theo đúng quy trình, chúng tôi được thông báo là được nghỉ ngơi dưỡng sức hai ngày rồi sẽ thực hiện nhiệm vụ của một người Thanh niên Xung phong. Tiểu đội tôi cùng một tiểu đội khác, được bố trí chung vào trong một dãy nhà tranh vách đất nằm bên hông ban Chỉ huy và Hậu cần. Những Tiểu đội còn lại, được bố trí vào ở trong những dãy nhà giống như bên tôi, nằm ở phía bên kia đường đối diện. Những dãy nhà này ước chừng dài khoảng 20m, rộng khoảng 5 - 6 m nằm dọc theo con đường đất với cửa chính và hai cửa sổ được thiết kế quay ra mặt đường. Cửa chính nằm ngay tại góc bên trái của vách chiều dài dãy nhà, hướng về mặt đường cùng hai cửa sổ được chia đều trên phần vách còn lại. Khi bước vào trong " sam " ( dãy nhà được gọi là sam ), hai dãy giường xếp dọc theo hai bên chiều dài vách và chỉ có khoảng trống bề ngang 1m chạy dài giữa hai dãy giường làm lối đi lại. Dãy giường này thật ra như dãy sạp, được làm với vật liệu bằng tre, trông rất chắc chắn, dư sức chịu đựng nhiều thân xác nặng nề sau những giờ lao động mệt nhọc. Sau khi mỗi người đã chọn cho mình một chỗ nằm vừa ý và ổn định trật tự trong " sam " thì được hậu cần thông báo, mỗi tiểu đội cử người qua Hậu cần lãnh cơm trưa. Trong lúc chờ cơm về, một số anh em đã tranh thủ ra giếng phía sau " sam " tắm mát hoặc lau mình cho sạch sẽ bụi bặm của một quãng hành trình dài...


                                                                                           ( còn tiếp )
                                                                                          NKT






 

 

3 nhận xét:

TUYẾT SƯƠNG said...

VẬY LÀ ANH LÊN VÙNG OANH TẠC TỰ DO RỒI PHẢI KHÔNG?

QUANG said...

ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG CỦ CHI NỔI TIẾNG ĐÓ TUYẾT SƯƠNG.

LIÊN ĐỘI 8 THANH NIÊN XUNGPHONG said...

ĐÚNG RỒI. AI CŨNG NÓI ĐÚNG. CHÚC CÁC BẠN VUI VẺ NHÉ.

Translate