Wednesday 13 August 2014

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI THANH NIÊN XUNG PHONG.



NHỮNG KỶ NIỆM MỘT THỜI THANH NIÊN XUNG PHONG









          Trong cuộc đời của mỗi con người ,có rất nhiều sự kiện, biến cố như : được - mất , vui - buồn  xảy ra ...Những chuyện mà theo thói quen cộng với chút lãng mạn, người ta gọi là kỷ niệm . Kỷ niệm lại thuộc về phạm trù quá khứ mà hễ nói tới quá khứ thì nghe như là lâu lắm, xa lắm . Về lịch sử, đối với một quốc gia, ba bốn chục năm không là gì cả, nhưng với một con người là cả cuộc  đời, cả một khoảng thời gian đủ dài để thách thức trí nhớ. Tuổi càng cao thì quá khứ càng dài, càng xa, khó mà nhớ hết mọi chuyện tình người với nhau và khi gặp lại còn kẻ quên người nhớ, huống hồ là sự kiện, biến cố.                              
          Tôi cũng muốn hoài niệm lại quá khứ một thời TNXP nhưng sao khó quá, không biết bắt đầu từ đâu, sắp xếp câu chữ, bố cục nội dung, phương pháp hành văn ra sao, mà Tôi thì lại rất dở về cái khoảng " Văn chương thi phú ", nhưng cái chính là không thể nào nhớ hết chi tiết các sự kiện để mà sắp xếp cho mạch lạc. Nói dài dòng như vậy để các bạn hiểu cho cái nỗi khổ của các " Nhà văn nghiệp dư ". Nhưng không hề chi, Tôi nghĩ chỉ cần có  tấm lòng là được, phải không các bạn? Có sao viết vậy, nhớ đến đâu viết đến đó và chắc chắn là các bạn sẽ thông cảm  cho TNXP viết nhé.
          Bắt đầu từ cái ngày 26/8/1975, cái ngày mà Tôi không thể nào quên được : cái ngày làm thay đổi cả cuộc đời mình, cái ngày mà Tôi đăng ký gia nhập lực lượng TNXP... Chắc mọi người không quên, hồi mới giải phóng sau năm 75, trong thành phố, các quận, phường, đều có tổ chức Hội, Đoàn, tập hợp thanh thiếu niên sinh hoạt văn nghệ, học tập chính trị ..v.v, qua đó tuyên truyền giáo dục cho thanh niên về tình hình nhiệm vụ mới... Tối tối, ở những bãi đất trống, thanh niên nam nữ tụ tập lại cùng ca hát, cùng nhảy múa " Sol Đố Mì " hết sức náo nhiệt. Tôi cũng sinh hoạt ở một khu phố như vậy (hồi đó gọi là ấp 6 xã Thạnh Mỹ Tây, bây giờ là phường 21 Bình Thạnh ). Cho đến một ngày, trong một buổi sinh hoạt, sau khi phổ biến một số vấn đề về tình hình nhiệm vụ ..v.v, anh phụ trách thông báo, hiện Thành Đoàn cần tuyển một số thanh niên để gia nhập lực lượng TNXP, điều kiện chỉ cần có sức khỏe và tự nguyện là đủ. Lúc bấy giờ, Tôi chẳng biết, chẳng hiểu TNXP là gì nhưng nghe nói đi đào kinh, lấp hố bom nên nghĩ chắc là cũng có tiền mà Tôi thì đang không có việc làm, gia đình thì thuộc diện khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, vậy nên đăng ký đi TNXP, vừa có việc làm, vừa lại bớt được một miệng ăn cho gia đình. Thế là Tôi đăng ký cùng với mấy người bạn trong xóm. Sau đó, đến ngày 26/8/75, Tôi cùng 3 người bạn là Võ Văn Hòa, Nguyễn Văn Phú, Lê Hồng Thủy , tất cả bốn người đến tập trung tại nhà hàng Thanh Thanh ở trên đường Phan Thanh Giản ( đường Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội ngày nay ). Sau đó, chuyển qua trường Đoàn Lý Tự Trọng( bây giờ là Trường Cán Bộ TP HCM số 129 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh ) thì đã thấy đông người lắm rồi. Sau khi ăn uống nghỉ trưa xong, mọi người tập hợp lại nghe Bí Thư Thành Đoàn Phạm Chánh Trực phổ biến tình hình nhiệm vụ và mục đích lý do thành lập đội TNXP. Khi đã xác định lại tên tuổi địa chỉ rồi thì chia phân cấp A, B, C và tất cả được 3C, mỗi C có 2B, mỗi B có 3A ,mỗi A có từ 8 đến 12 người, vị chi trên dưới 200 người. Cuối cùng là lãnh quân tư trang : mùng, chiếu, tấm đấp, đặc biệt là bộ đồ bà ba vải tám màu nâu, có người bảo giống đồ tù nhưng có lẽ giống đồ thầy chùa hơn (sau nầy Tôi mới biết còn có 4C TNXP bận đồ ka - ki màu xanh dương, đóng ở Xuyên Mộc nữa ) .Ở trường được 4 ngày để học chính trị thì đến ngày 30/8/75 ,tất cả được chuyển xuống nông trường Lê Minh  Xuân . Và kể từ bây giờ, tất cả đã trở thành TNXP thực sự . Với Tôi từ đây, cuộc đời bắt đầu sang trang mới. Và sau năm năm bốn tháng khoác áo TNXP " Thế giới quan và nhân sinh quan " ở trong Tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi đã từng nghe ai đó nói TNXP là trường " Đại học " thực hành lớn là rất đúng và suốt hai ngàn ngày làm TNXP, biết bao nhiêu là kỷ niệm, buồn, vui, bi, hài, nói chung có đủ hỹ, nộ, ái, ố.



                                         
           Liên đội TNXP áo nâu ( hồi đó gọi như thế để phân biệt với Liên đội áo xanh ở Xuyên Mộc, chứ chưa có tên chính thức ) do anh Ba Bình làm chính trị viên, anh Nguyễn văn Hoa làm Liên đội trưởng (sau này các anh lần lượt làm Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP ), ngoài ra còn có các anh Đặng Nhứt, Trần Lượng, Phan Tấn Lân. Võ văn Đệ . Nguyễn Tự Chúc...tham gia trong ban chỉ huy Liên đội, hoặc ở các C ... Tôi thuộc C2 do anh Trần văn Tâm  làm chính trị viên, anh Nguyễn Quí Ninh làm C trưởng, anh Nguyễn Văn Phước làm C phó  ... Đến Lê Minh Xuân, C2 đóng ở đầu kinh B, hướng gần chợ Đệm với công việc chính là đắp bờ bao. Khi xáng cạp móc đất dưới lòng kinh B quăng lên ra hai bên bờ, TNXP mình chỉ việc tổ chức san phẳng ra dọc hai bờ kinh. Nơi đóng quân, xung quanh, chỗ nào có đất thì toàn sậy, chỗ nào ngập nước thì toàn cỏ năng, giao thông chỉ bằng xuồng, ghe, muốn đi bộ cũng không có đường đi, bốn bề chỉ toàn nước. Nước thì trong vắt nhưng không xài được do bị nhiễm  phèn rất nặng. Nước ngọt, hậu cần phải chống ghe đi chở từ hướng chợ Đệm, Bình Chánh và đôi lúc " giáp hạt " nước, không chở kịp, thiếu nước uống, múc nước kinh luộc với mấy trái bầu uống đỡ, cũng không tệ.  Không điện, tối chỉ thắp đèn dầu. Ban đêm, sau giờ sinh hoạt toàn C, đến giờ ngủ, trở về sam với ánh sáng nhờ nhờ làm mấy bạn gái khóc rưng rức vì nhớ nhà... Chừng hơn tháng, theo kế  hoạch của cấp trên, tất cả 3 C cùng nhổ trại về hội quân tại khu đất trống sát bên dòng kinh Xáng, sau lưng Ông Phật cô đơn. Về đây, ba C cùng ở chung một chỗ, gần đường ( chỉ đi bộ thôi chứ cũng chẳng có xe  ), gần dân, tối có điện thắp sáng, ai nấy đều phấn khởi, nhất là mấy " đồng chí " gái hớn hở ra mặt ... Nhớ có lần, tầm nửa đêm, có mấy người dân, họ kè một bà thím cỡ 40 tuổi đang đau đẻ, đến chỗ TNXP mượn chiếc xuồng chở ra lộ để đón xe đi cấp cứu đẻ. Lúc trên  xuồng, nhằm đánh lạc hướng cơn đau đẻ ai cũng kiếm chuyện nói với thai phụ. Khi đó, Tôi có hỏi :" Thím sanh lần thứ mấy rồi? ", " mười bảy, mười tám lần gì đó, không nhớ nữa chú ơi! ". Bà thím trả lời làm mình hết hồn tỉnh ngủ luôn. Đó cũng là một kỷ niệm thú vị trong một lần làm công tác dân vận.                  
          Lúc này, công việc chính của TNXP toàn Liên đội là đi nhổ cỏ thơm cho nông trường. Một số thì chia từng tổ hai, ba người đi khắp nông trường, đo đạc, thống kê, định vị đất đai, nhà dân xen canh, xen cư để phục vụ công tác quy hoạch đất đai của Nông trường. Còn có một nhiệm vụ đặc biệt nữa là người của Sở Văn hóa Thông tin trực tiếp xuống Liên đội để tuyển một số anh chị em, ngoại hình coi đỡ đỡ một chút, lập ra một đội vừa hợp ca vừa  múa để đại diện TNXP tham gia hội diễn toàn thành, chào mừng mùa xuân đầu tiên TP mới giải phóng. Hội diễn tổ chức trước tết Nguyên đán Bính Thìn (1976 ), tại trụ sở Quốc hội chế độ cũ, tức Nhà hát Thành phố bây giờ... Tôi cũng nằm trong số được chọn để tham gia nhóm múa( hồi đó mình cũng chuẩn " men " ra phết chứ bộ !!??... hà... hà...). Tập tại chỗ chừng nửa tháng, thì chuyển về Sở VHTT ở bên hông Nhà hát ( nhà hàng LION bây giờ ), ăn, tập, ngủ, nghỉ tại chỗ, cắm trại 100%. Bác nhạc sĩ Xuân Hồng là một trong số những người tham gia luyện tập cho TNXP . Hội diễn năm đó TNXP được giải khuyến khích cho 2 tiết mục ca và múa. Sau hội diễn một tuần là tết Nguyên đán. Trừ những anh chị em tình  nguyện ở lại giữ trại, tất cả TNXP còn lại được xả trại về nhà ăn tết . 
          Hồi đó, Tôi  quen với một bạn gái TNXP cùng C tên M D. Hai đứa đối xử với nhau trên mức tình cảm một chút nhưng rất là trong sáng. Để ý đến với nhau,nhưng cái nắm tay cũng không dám. Chắc các bạn cũng biết  vấn đề tình cảm nam nữ trong các tổ chức, đơn vị, đoàn thể hồi ấy rất là nghiêm ngặt,  lạng quạng là bị phê bình kiểm diểm " te tua ". Trước khi xả trại về nhà ăn tết, hai đứa hẹn nhau sáng mùng 1 tết tại rạp chiếu phim mi-ni Rex để coi xuất 8 giờ 30 bộ phim VĨ TUYẾN 17 - NGÀY VÀ ĐÊM . Sáng mùng một tết, má lì xì cho Tôi 300đ ( 1 tờ 200đ in hình Vua Quang Trung, một tờ 100đ in hình Tả Quân Lê Văn Duyệt ). Tôi thì đi từ Bà Chiểu ra, em thì đi từ Phú Lâm vô, đều bằng xe buýt. Khi hai đứa gặp nhau tại rạp hát thì đã gần 9 giờ. Là " Nam nhi chi khí ", Tôi bước lên trước để mua vé nhưng bỗng khựng lại rồi từ từ đứng hình luôn ( không phải chứ ! ) khi thấy bảng giá : 150đ / vé người lớn. Không biết lúc đó, có ai biết nỗi khổ của Tôi?. Số là sau khi trả tiền xe buýt hết 6đ, thì trong túi chỉ còn 294 đ thì làm sau mua được 2 vé, đó là chưa kể tiền xe bận về? Lẽ nào lại kêu em đưa tiền? Tôi bèn kiếm cớ nói với em :" phim đã chiếu gần 30 phút rồi, coi mất hay và làm sao mình hiểu? Thôi, mình đi rạp khác coi nghe em !" . Em nói thích phim nầy và chờ đã lâu mới có dịp " Thôi mình vô coi đại nghe anh ", vừa nói em vừa bước tới móc tiền mua vé. Hà ... hà... không ai khác, chính là em đã cứu cho Tôi một bàn thua trông thấy, thật là ngại quá đi chứ hả...!!! Mấy chục năm rồi không gặp nhau, không biết bây giờ em ra sao? Giờ đây mỗi khi nhớ lại, thấy lòng mình lâng lâng xao xuyến, thật là một kỷ niệm dễ thương. 






          Ăn tết xong, trở lại đơn vị, việc ai nấy làm. Đến cuối tháng 2/76, do yêu cầu công tác, C2  được điều chuyển lên  Củ Chi. B1 của Tôi thì đến nông trường Phạm Văn Cội 1 còn B2 thì đến nông trường Phạm Văn Cội 2. Tất cả sẽ là cán bộ khung để đón đợt quân TNXP vào ngày 28/3/76. Và kể từ ngày này, Liên đội 8 TNXP chính thức ra đời tại Nông trường Phạm Văn Cội 1 và Liên đội trưởng đầu tiên là anh Đặng Nhứt. Hồi đó, theo phân cấp, thì TNXP ở các Nông trường chịu sự quản lý của 2 cơ quan : Một là Ban chỉ huy LL TNXP ở 84 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 TP HCM và anh 7 Thanh (Võ Viết Thanh ) là Chỉ huy trưởng đầu tiên. Hai là  Ban Khai hoang Xây dựng các Nông trường ở số 8 Hoàng hoa Thám, Bình Thạnh. Lực lượng TNXP thì quản lý về nhân sự, có thể điều động cán bộ, đội viên TNXP còn Ban Khai hoang thông qua các nông trường để giao chỉ tiêu và khối lượng công việc. Không biết lúc đó có bao nhiêu nông trường nhưng theo Tôi  biết thì có 9 NT có mặt TNXP gồm : NT Lê Minh Xuân, NT Nhị Xuân, NT Tam Tân, NT Phạm Văn Hai, NT Gò Xoài Lê Tấn Sỹ, NT Đỗ Hòa, NT Thái Mỹ, NT Phạm Văn Cội 1, NT Phạm Văn Cội 2. Khoảng cuối năm 76, có dịp đi công tác về TP, tiện đường  Tôi ghé báo cơm ở Ban khai hoang thì thấy có 6 - 7 anh chị TNXP ở các Nông trường cũng ghé ăn " chực " như mình và tất cả kéo vô phòng Hành  chánh xin phiếu cơm.  Chắc các bạn cũng biết,những năm mới Giải phóng, cả nước thiếu đói trầm trọng nên khẩu phần ăn của bếp ăn tập thể rất " hẻo ". Bình quân mổi người một chén cơm vừa vừa. Ở C mình, có nam, có nữ, người ăn khỏe, người ăn yếu, sang qua sớt lại, thì có thể đủ no chứ đi tới bếp lạ một mình một phiếu không " thấm " vào đâu!!! Trưởng phòng Hành chánh Ban Khai hoang ngày ấy là anh Tư Sang. Tôi đại diện cả nhóm đứng ra :" Anh Tư ơi, anh bảo chị " Lý Quản " cho tụi em mỗi đứa 2 phiếu đi anh, chứ tụi em " sầm sầm " như vầy, một phiếu ăn không no " " Để dành cho người khác nữa chứ! " Ảnh cười cười nói," nhưng thôi, duyệt cho tụi bây 2 đứa 3 phiếu, được chưa? ". Mình đùa nịnh với ảnh :" Anh tốt quá, anh mà làm vua thì chắc dân được nhờ lắm ". Không ngờ ba mươi mấy năm sau, câu nói đùa ngày nào đã trở thành sự thật.Có điều anh không làm Vua mà làm Chủ Tịch nước. Đến giữa năm 1978 thì có chính sách mới về TNXP : tất cả TNXP 9 Nông trường được sắp xếp lại, ai chuyển ngành thì chuyển, ai về Lực lượng thì về, ai xuấ ngủ thì xuất, còn lại được biên chế thành cán bộ công nhân viên chức Nông trường. Lúc này, Lực lượng TNXP không còn quản lý TNXP nông trường nữa  mà chỉ  quản lý các Tổng đội TNXP cơ động và các Liên đội TNXP miền như Dũng Cảm, Kiên Cường, Dũng Chí, Quyết Thắng..v.v. Kể từ đó, TNXP các nông trường phải hạch toán năng suất lao động của mình, nghĩa là năng suất lao động được tính lời lỗ chứ không còn lao động phong trào nữa. Tùy theo thổ nhưỡng mà mỗi Nông trường quy hoạch nuôi trồng cây con khác nhau. Liên đội 8 TNXP  ở nông trường Phạm Văn Cội 1 cũng không ngoại lệ. Sau khi được biên chế trở thành CB CNVC Nông trường đã thấy tín hiệu an cư lập nghiệp. Những anh chị em bám trụ với Nông trường, dần dần ổn định cuộc sống, người lấy vợ, người lấy chồng, xin đất cất nhà ra riêng, xây dựng gia đình, sanh con đẻ cái ... Nhớ lại khoảng giữa năm 76, trong C1 Liên đội 8 TNXP của Tôi, có anh Bảy, tầm ngoài 40 tuổi, lớn nhất C, một buổi tối, sau khi cơm nước xong , rảnh rổi ngồi nói chuyện chơi, ảnh bảo đưa tay để ảnh coi cho một quẻ. Tuy không tin nhưng để thư giãn, Tôi cũng đưa tay ra rồi ngồi im nghe ảnh nói. Ảnh nói nhiều lắm, nhưng Tôi chỉ nhớ có câu " Sau này vợ chú nhỏ hơn chú 6 tuổi ". Nói về chuyện tình cảm thì riêng Tôi cũng có  vài lần hợp tan. Sau biên chế, Tôi được điều chuyển về một Đội sản xuất của nông trường, lương của Tôi được 59 đồng 50 xu, một mức lương khá cao so với mặt bằng chung lúc bấy giờ . Lúc đó khoảng tháng 9 hay tháng 10 /1978, Tôi có quen một cô công nhân trong Đội, tình cảm cũng thắm thiết và tính Tết này sẽ tổ chức tuyên bố. Sau mấy tháng dành dụm , có dư cũng được gần 100 đồng. Tôi tính  dẫn em đi sắm trước cặp nhẫn, đôi bông ...để dành và em cũng đi xỏ lổ tai để chuẩn bị làm cô dâu. Vàng 24k lúc đó cỡ trên dưới 200 đồng /lượng (cây). Quay trở lại một chút về lời " Tiên tri " của anh Bảy gần ba năm trước, ảnh " phán " rằng sau này vợ Tôi sẽ nhỏ hơn 6 tuổi. Trong khi cô công nhân vợ tương lai của tôi sanh năm 1960,  Tôi thì sanh năm 1956, nghĩa là cô ấy chỉ nhỏ hơn Tôi có 4 tuổi và đám cưới là điều chắc chắn sắp diễn ra. Hà...hà ... lời  " tiên tri " của anh sai rồi anh Bảy ơi. Tôi thầm nói như vậy nhưng... Chuyện đời ai biết được chữ " ngờ "?. Số phận con người có khi chỉ được thay đổi vào phút " 89 ". Chuyện là như vầy, hai đứa chưa kịp đi sắm nữ trang thì Má Tôi lên thăm, chuyện trò trao đổi, Má nói từ đây đến đám cưới còn tới ba bốn tháng " Thôi ! tiền này để Má làm vốn buôn chuối , tới gần ngày ...Má trả lại rồi sắm cũng không muộn! " Tôi ok liền và nói " Gần đến đó Má mua dùm đôi bông và cặp nhẫn luôn đi, con khỏi mắc công đi mua ". Tôi còn lấy ni đưa cho má nữa chứ nhưng " Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí ". Không ngờ ba tháng sau, đến Nô-en, vàng nhảy vọt lên 2.000 đồng một lượng, trong khi ba tháng trước với 100 đồng, có thể mua được  bốn năm chỉ, giờ sau ba tháng với số tiền đó chỉ mua   được có 5 phân.  Nhưng điều quan trọng nhứt là, sau mấy chuyến buôn chuối, do không có kinh nghiệm nên hư hao, lỗ lã,  thâm thủng hết vốn!!! Một phân vàng bây giờ cũng không có tiền để mua.  Thôi rồi tình duyên của con đã đi theo mấy buồng chuối của Má rồi, Má ơi ! Tôi kêu lên thành tiếng khi đón nhận những tin không vui đó. Bây giờ tiền đâu mà cưới vợ? Hồi đó, có Ngân hàng đâu mà mượn, mà nếu có thì lấy gì thế chấp để mà mượn. Mượn bạn bè TNXP ư? Mượn ai đây? Khi ai cũng  là " Vô Sản "?. Gần đến giờ G, nhà gái hối thúc và mời người lớn bên đàng trai đến để bàn lần cuối thủ tục. Tôi bây giờ như ông " Từ Hải ", không biết tính làm sao? Nhưng dù sao cũng phải quyết. Sau vài đêm mất ngủ, Tôi gặp em " Chắc chưa  cưới được. Em có thương anh thì chờ anh hai năm nữa ". Tôi vừa nói, em vừa khóc vừa hỏi lý do. Thật là đột ngột cho em cũng như cho nhà gái, họ không đòi hỏi gì . Nhưng do mình vẽ ra kịch bản này kia, giờ không có khả năng thực hiện, đành phải " hoãn binh " . Vì sĩ diện, mà Tôi không thể nói thật lý do!!! Hơn một năm sau, qua sự mai mối, em lấy chồng, người cùng địa phương. Bây giờ em vẫn ở Nông trường PVC và sống hạnh phúc với chồng con. Nhưng mãi mãi em không thể nào biết được sự thật, duyên tình của em dang dở là do ...giá vàng !!! Thật là khôi hài ( hay bi hài ) và đây là kỷ niệm chứa nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Trong chuyện tình cảm, hai đứa chưa đi quá giới hạn cho phép và đó là điều làm cho tâm hồn Tôi thật là thanh thản ( hồi xưa Tôi " đàng hoàng " lắm, chớ đâu có " quỉ quái " như bây giờ,hà... hà ...!! ). Em lấy chồng được hơn một năm, thì đến lượt Tôi lấy vợ ( năm1981 ), cũng là công nhân trong đội sản xuất ... Nhưng điều  ngạc nhiên là vợ Tôi  sinh năm 1962, nhỏ hơn Tôi 6 tuổi, đúng như lời anh Bảy đoán năm xưa .( Không biết anh hên, hay là hay??? Sao lại trùng hợp thú vị như vậy ???).Thế đấy, cuộc sống ở TNXP có mấy năm thôi mà đầy ắp kỷ niệm. Có kỷ niệm  nhẹ nhàng dể thương, có kỹ niệm sâu sắc đậm đà, có kỹ niệm xốn xang và dữ dội. Bây giờ, ngồi nhớ lại những chuyện đã qua, hoài  niệm quá khứ một thời TNXP, Tôi nghiệm ra một điều : Tất cả đều do một chữ DUYÊN. Có nhiều việc, sao Tôi không làm Mà  lại làm TNXP ? Cũng vì chữ DUYÊN!!! " Xuất thân " TNXP  Lê minh Xuân nhưng sao lại " định cư " ở TNXP Phạm Văn Cội, cũng là chử  DUYÊN!!! Chỉ mấy năm TNXP thôi, mà " Sở hữu " một  " Bầy " kỶ niệm không " đụng hàng ", lẽ nào không phải là DUYÊN???
          Liên đội 8 TNXP, sau bao nhiêu năm tứ tán, giờ tập hợp lại, cũng là do " Hữu Duyên Thiên Lý ". Và cuối cùng là  TNXP " ĐỒNG ĐỘI MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI " Cũng là DUYÊN.!!!                                                               
                                                                           

                                                                                 NGUYỄN QUỐC THẮNG

                                                                                            LĐ8 TNXP  













                                                                       


                                             

0 nhận xét:

Translate